trang chủ Tin tức Vì sao Na Uy lại trở thành trung tâm của ô tô điện thế giới?

Vì sao Na Uy lại trở thành trung tâm của ô tô điện thế giới?

Trong 2 tháng đầu năm 2022, 80% xe mới bán ra tại Na Uy đều là ô tô điện.

Heidi Myrene đỗ chiếc Tesla Model S đời 2015 của mình vào chỗ trống cuối cùng trong trạm sạc Tesla Supercharger ở Lier, cách 37 km về phía Tây Nam so với thủ đô Oslo của Na Uy. Cô ấy đang trên đường đến ngôi nhà bên hồ của gia đình, nơi tốc độ sạc chậm hơn ở nhà.

 

Dừng xe lại để sạc khá phiền phức, Myrene cũng hiếm khi phải làm vậy nhưng điều này đảm bảo chiếc Tesla Model S đủ điện cho cả chiều về. Những việc này đã trở nên quá đỗi bình thường đến mức Myrene cảm thấy ngạc nhiên khi được hỏi về cuộc sống của một người dùng ô tô điện. Điều khiến cô phải cằn nhằn nhiều nhất là gì ư? Đó là đường phố Na Uy có quá nhiều bụi bẩn. "Với những người sở hữu xe đẹp thì đây là nơi quá kinh khủng", Myrene nói.

Chiếc Tesla Model S bị bám đầy bùn xuất hiện tại trạm sạc

Chiếc Tesla Model S bị bám đầy bùn xuất hiện tại trạm sạc

Chào mừng các bạn đến với Na Uy, nơi tương lai xe điện đã hiện hữu từ khá lâu. Thậm chí, vào những ngày mùa xuân tại thủ đô Oslo, đường phố yên tĩnh đến mức bạn chỉ có thể nghe thấy tiếng lạo xạo khi bánh ô tô điện lăn qua muối rải đường.

Theo kế hoạch, chính phủ Na Uy sẽ cấm bán ô tô dùng động cơ đốt trong ở đất nước này vào năm 2025, sớm hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên toàn thế giới. Ngoài ra, chính phủ Na Uy còn áp dụng những chính sách khuyến khích người dân chuyển sang dùng ô tô điện. Do đó, trong 2 tháng đầu năm 2022, 80% xe mới bán ra tại quốc gia châu Âu này đều là ô tô điện.

 

Tính đến tháng 2/2022, đã có tổng cộng hơn 470.000 chiếc ô tô điện được đăng ký tại Na Uy. Con số này chiếm khoảng 10% tổng lượng xe cá nhân đăng ký tại quốc gia này.

Với khách hàng thông thường, những chính sách ưu đãi dành cho ô tô điện tại Na Uy thật khó mà bỏ qua. Nghiên cứu của Hiệp hội ô tô điện Na Uy (Elbil) trong năm 2021 cho thấy giá nhập khẩu của Volkswagen Golf dùng động cơ đốt trong là 18.747 Bảng (545 triệu đồng) trong khi con số tương ứng của Volkswagen e-Golf thuần điện là 28.093 Bảng (817 triệu đồng). Tuy nhiên, sau khi cộng các khoản thuế, phí, giá của Volkswagen Golf tăng lên 28.976 Bảng (842,5 triệu đồng) trong khi giá của Volkswagen e-Golf chỉ dừng ở mức 28.304 Bảng (823 triệu đồng).

Sở dĩ có sự chênh lệch kể trên là do ô tô điện tại Na Uy được miễn thuế nhập khẩu và 25% VAT. Đây chỉ là 2 trong số những ưu đãi mà chính phủ Na Uy áp dụng cho ô tô điện. "Đây là lý do chính giải thích vì sao thị trường ô tô điện Na Uy lại thành công hơn so với những quốc gia khác", Elbil cho biết.

Đến năm 2025 khi xe dùng động cơ đốt trong bị "khai tử" tại Na Uy, chính phủ nước này sẽ giảm bớt sự hào phóng của mình. Kể từ năm 2022, ô tô điện sẽ bắt đầu bị tính thuế mua hàng. Trước đó, từ năm 2017, người lái ô tô điện tại Na Uy cũng đã bắt đầu phải trả phí đường bộ nhưng chỉ bằng 50% so với xe dùng động cơ đốt trong.

Bên cạnh đó là một số ưu đãi khác dành cho ô tô điện như được chạy trên làn dành cho xe buýt trên những con đường vào thủ đô Oslo. Ngoài ra, chi phí sạc ô tô điện tại Na Uy cũng rẻ hơn tiền đổ xăng, dầu.

"Tôi quá mệt mỏi với giá dầu diesel đắt đỏ", Frank Skarpass, người dùng chiếc ô tô điện Jaguar I-Pace trong 3 năm qua, nói với phóng viên tạp chí Autocar khi đang sạc pin tại trạm sạc nhanh ở Lier. "Tôi từ việc phải trả khoảng 4.000 Krone (9,8 triệu đồng) tiền dầu diesel mỗi tháng giờ xuống chỉ còn vài trăm". Nguyên nhân là do ông Skarpass được sạc xe miễn phí tại công ty chuyên về điện lưới của mình.

Ông Skarpass đang sạc chiếc Jaguar I-Pace của mình

Ông Skarpass đang sạc chiếc Jaguar I-Pace của mình

Trên thực tế, Na Uy không phải là thị trường lớn. Trong năm ngoái, quốc gia này chỉ tiêu thụ tổng cộng 176.276 chiếc ô tô mới. Thế nhưng, đây lại là thị trường béo bở cho các hãng sản xuất ô tô điện.

Những mẫu ô tô điện phổ biến tại châu Âu cũng xuất hiện đầy rẫy trên đường phố Oslo như Ford Mustang Mach-E, Audi E-tron, Hyundai Ioniq 5 và BMW iX. Ngay cả các hãng xe Trung Quốc như BYD, Hồng Kỳ, Nio và Xpeng cũng coi Na Uy như bệ phóng trước khi thâm nhập những thị trường khó nhằn hơn tại châu Âu.

Chiếc SUV điện Hồng Kỳ E-HS9 xuất hiện trên đường phố Na Uy cùng Ford Mustang Mach-E

Chiếc SUV điện Hồng Kỳ E-HS9 xuất hiện trên đường phố Na Uy cùng Ford Mustang Mach-E

"Xét tổng thể tại châu Âu, Na Uy có chính sách ưu đãi của chính phủ tốt nhất và cơ sở hạ tầng sạc xe điện khá đầy đủ. Giờ đây, Na Uy còn cởi mở hơn với những thương hiệu mới", Hui Zhang, giám đốc điều hành của Nio chi nhánh châu Âu, nói với phóng viên tạp chí Autocar.

Ngoài ra, còn có một lý do nữa khiến Na Uy thu hút các hãng xe nước ngoài. "Đây là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới", Zhang cho biết thêm. Với một công ty như Nio hiện đang bán mẫu SUV 7 chỗ ngồi ES8 với giá 60.000 Euro (1,49 tỷ đồng), Na Uy là thị trường rất đáng cân nhắc.

Sự thịnh vượng của đất nước châu Âu này được thể hiện rõ qua bảng xếp hạng doanh số xe. Trong tháng 2/2022, mẫu xe bán chạy nhất tại Na Uy là Hyundai Ioniq 5, sau đó đến BMW iX, Audi E-tron và Polestar 2. Trong năm ngoái, Tesla chính là thương hiệu xe bán chạy nhất tại đây, chiếm thị phần 11%.

Cuộc cách mạng ô tô điện tại Na Uy hiện đang được "lèo lái" bởi nửa dân số giàu của quốc gia này. Tất nhiên, ô tô điện vẫn chưa thuyết phục được một số người dân "bình thường" hơn tại Na Uy, ví dụ như cô Benedicte Hoslund. Vừa sạc chiếc Nissan Leaf thế hệ thứ nhất, cô Hoslund vừa chia sẻ đây là chiếc xe cô thuê của một người bạn. Trong khi đó, chiếc xe của cô là Citroen C3 chạy bằng động cơ diesel được cất trong gara. "Tôi không thích chiếc xe này", cô Hoslund bày tỏ với phóng viên Autocar. "Chiếc xe này cũ rồi nên phải sạc rất nhiều".

Cô Hoslund phàn nàn về chiếc Nissan Leaf đời đầu

Cô Hoslund phàn nàn về chiếc Nissan Leaf đời đầu

Chiếc Nissan Leaf đời đầu có phạm vi di chuyển trung bình chỉ 99 km bị coi là vô dụng với một y tá và bà mẹ 3 con như cô Hoslund. Vì tính chất công việc, trung bình mỗi năm, quãng đường mà cô Hoslund phải di chuyển rơi vào khoảng 24.000 km.

Tin được quan tâm

7 thị trường tiêu thụ nhiều ô tô điện nhất thế giới, không hề có Nhật Bản

Việc chính phủ Na Uy làm thế nào để thuyết phục cô Hoslund và 90% người dùng ô tô khác chuyển sang xe điện với chi phí hợp lý vẫn còn là một câu hỏi lớn. "Đối với tôi, ô tô điện không phù hợp", cô Hoslund chia sẻ thêm. "Chính phủ sẽ ép tôi phải dùng, nhưng tôi cần xe có phạm vi dài hơn. Hiện tại, tôi vẫn sẽ trung thành với xe máy dầu".

Quãng đường di chuyển cũng là lý do khiến ông Farshid Amz dù sở hữu chiếc ô tô điện Lexus UX 300e nhưng vẫn giữ lại xe máy dầu để sử dụng. "Chúng tôi phải có một chiếc ô tô điện vì tôi làm việc ở trung tâm Oslo", ông Amz cho biết. "Tuy không miễn phí nhưng ô tô điện đúng là có chi phí rẻ hơn xe máy dầu. Phạm vi di chuyển 300 km là đủ dùng cho thành phố, nhưng chúng tôi không thể đi xa. Nếu đi về quê, chúng tôi phải dùng chiếc Fiat 500 máy dầu".

Dù đã sở hữu chiếc Lexus UX 300e nhưng ông Amz vẫn giữ lại chiếc Fiat 500 máy dầu để dùng

Dù đã sở hữu chiếc Lexus UX 300e nhưng ông Amz vẫn giữ lại chiếc Fiat 500 máy dầu để dùng

Với ông Bjarn Haug, việc sạc xe điện chính là vấn đề. Ông Haug đã sử dụng chiếc ô tô điện Audi E-tron 55 được 6 tháng. Ngoài ra, ông còn đang chờ nhận chiếc Audi Q4 E-tron.

"Sức mạnh của xe thật lố bịch. Bạn chẳng cần xe mạnh đến thế. Mấy tuần đầu thì lái cũng vui đấy nhưng nếu bạn lúc nào cũng đi hết tốc lực thì phạm vi di chuyển sẽ giảm còn một nửa. So với chiếc Audi A4 Avant máy dầu cũ của tôi thì cũng tuyệt đấy nhưng mà sạc thì phiền phức quá", ông Haug chia sẻ với phóng viên Autocar.

Trái ngược với Haug, ông Skarpass - người dùng chiếc Jaguar I-Pace kể trên - lại chẳng cảm thấy phiền vì phải sạc. "Thông thường tôi đi được 350 km sau khi sạc. Thế là quá đủ. Quãng đường từ nơi tôi sống đến Oslo là 400 km nên tôi phải dừng lại để sạc. Vào mùa hè, tôi có thể đến đó mà không cần phải dừng lại sạc. Tôi chẳng nhớ nhung gì xe máy dầu, ngoài việc đổ nhiên liệu nhanh hơn. Tôi yêu tốc độ, trải nghiệm lái, sự yên tĩnh, nói chung là tất cả những gì của ô tô điện", ông Skarpass kết luận.

xe mới về