trang chủ Tin tức Phân tích hiện tượng thừa lái và thiếu lái

Phân tích hiện tượng thừa lái và thiếu lái

Hiện tượng thừa lái và thiếu lái gây ra tình trạng mất kiểm soát xe, nếu không có cách xử lý kịp thời có thể gặp phải các tình huống tai nạn đáng tiếc.

Hiện tượng thiếu lái (Understeer) là gì?

Thiếu lái hiểu đơn giản là khi vào cua chiếc xe không ôm theo ý muốn của người lái, mà có xu hướng đi theo đường thẳng chệch ra hướng ngược lại của vòng cua. Thiếu lái là tính chất đặc trưng của các xe dẫn động cầu trước và đa số các xe dẫn động 4 bánh khi chúng ta vào cua quá nhanh. Lúc này hai bánh trước là hai bánh đánh lái cũng là hai bánh dẫn động. Việc bị mất độ bám và khiến chiếc xe không di chuyển theo hướng chúng ta đánh lái.

lxx3-14254843

Thiếu lái là hiện tượng khi vào cua, xe không ôm cua mà có xu hướng đi chệch về hướng ngược lại của vòng cua. (Ảnh minh họa: danchoioto.vn)

Hiện tượng thừa lái (Oversteer) là gì?

Thừa lái xảy ra trong hai trường hợp. Thứ nhất là khi vừa thoát khỏi chóp góc cua. Và chúng ta đột ngột thốc ga những chiếc xe dẫn động cầu sau. Thứ hai là khi chúng ta vào cua quá nhanh vá đột ngột nhả chân ga gây ra hiện tượng chuyển dịch trọng lượng bất ngờ từ sau ra trước.

Cả hai trường hợp trên đều khiến bánh xe sau làm nhiệm vụ dẫn động mất độ bám đường. Hậu quả tất yếu là xe sẽ xảy ra hiện tượng văng đuôi xe hay tệ hơn là xe sẽ xoay vài vòng trên mặt đường. Dư lái thường bắt gặp ở những xe dẫn động cầu sau, một số xe dẫn động 4 bánh và vài chiếc dẫn động cầu trước cá biệt.

Nguyên nhân gây thiếu lái và thừa lái

Hiện tượng thừa lái dễ xảy ra trong điều kiện đường trơn (mưa, bùn, tuyết, băng). Hoặc khi vào cua quá gấp, tăng ga quá sớm giảm ga hoặc phanh đột ngột ở khúc giữa cua. Hiện tượng này thường biểu hiện cụ thể khi đuôi xe sẽ văng hình vòng cung. Quá trình phanh xe đột ngột theo phản xạ rất nguy hiểm, khiến mũi xe chúi xuống. Trọng lượng chính dồn lên giảm xóc trước và hai bánh trước, kéo theo hai bánh sau mất độ bám ma sát, đuôi xe theo quán tính cũng bị văng đi.

Nguyên nhân chủ yếu gây hiện tượng thiếu lái là do tài xế không làm chủ tốc độ và cua không đủ để tạo lực hướng tâm ôm trọn vòng cua, làm cho bánh trước mất ma sát (đối với những xe dẫn động bánh trước). Khi xe đã trượt ngang ra mép cua thì dù có bó chặt vô lăng hết cỡ cũng vô vọng.

Cách xử lý khi xe thừa lái và thiếu lái

Đề phòng trường hợp xe rơi vào một trong hai tình trạng thừa lái và thiếu lái, tài xế nên kiểm tra tình trạng lốp xe trước mỗi chuyến đi vì khi xe vào cua xử lý gấp không thể dừng lại để kiểm tra lốp được. Nếu lốp xe bị mòn, xe rất dễ bị mất độ bám với mặt đường khi gặp các khúc cua hoặc gặp đường trơn. Ngoài ra, người lái cần chú ý kiểm soát và làm chủ quãng đường di chuyển, tránh các trường hợp phải phanh gấp hoặc đột ngột dồn ga. 

lxx2-14254884 

Cách xử lý khi xe thiếu lái

Hiện tượng thiếu lái xảy ra khi người lái xe không làm chủ được tốc độ, lúc vào cua không đủ tạo lực hướng tâm để ôm trọn vòng cua khiến hai bánh trước bị mất ma sát với mặt đường.

Cách xử lý đơn giản nhất là giảm tốc độ hai bánh trước để lấy lại độ bám với mặt đường. Sau đó lập tức nhả chân ga để xe giảm tốc độ từ từ, không nên phanh gấp mà hãy tăng ma sát cho bánh (nhấp phanh nhẹ để ABS phát huy tác dụng đối với xe có hệ thống ABS - Anti-lock Brake System). Khi xe đã lấy lại được độ bám với mặt đường, người điều khiển cần phải đánh lái nhiều hơn về phía ôm cua hay nói cách khác là trả vô lăng về hướng thẳng lái của vòng cua.

Cách xử lý khi xe thừa lái

Trường hợp xảy ra hiện tượng thừa lái khi người điều khiển đột ngột phanh xe theo phản xạ khiến mũi xe chúi xuống và dồn trọng lượng chính lên giảm xóc trước và hai bánh phía trước. Hai bánh sau lúc này bị kéo theo cùng nên mất độ bám, đuôi xe văng đi theo quán tính.

Cách xử lý hiện tượng thừa lái khó hơn rất nhiều so với hiện tượng xe thiếu lái. Người lái cần chú ý giảm tốc độ trước khi phanh để phanh ABS có thể kịp thời phát huy tác dụng, triệt tiêu lực bó cứng phanh hiệu quả nhất. Hạn chế tối đa phanh gấp khi vào giữa cua để giảm nguy cơ xảy ra tai nạn nguy hiểm.

Ngoài ra, kỹ năng đánh lái ngược lại hướng xe đang ôm cua với lượng vừa đủ đóng vai trò rất quan trọng. Nếu người điều khiển đánh lái ngược lại quá ít thì xe vẫn xảy ra hiện tượng văng đuôi. Nếu đánh lái ngược lại quá nhiều, người điều khiển sẽ không thể kiểm soát được hiện tượng thừa lái, ngược lại còn gây ra tình trạng xe văng đuôi hoặc xoay theo hướng ngược lại.

Để kiểm soát được tình trạng thừa lái và thiếu lái, người điều khiển xe nên cẩn thận xử lý từng bước theo các cách đối với từng trường hợp cụ thể. Chú ý luôn làm chủ tốc độ xe để không xảy ra các tình huống tai nạn đáng tiếc.

(Theo vtc.vn)

xe mới về